Ung thư thực quản là khối u ác tính xuất phát từ các tế bào biểu mô của thực quản. Có hai dạng ung thư thực quản phổ biến nhất là:1 2
- Ung thư biểu mô tế bào vảy: Tế bào vảy là loại tế bào lót bên trong lòng thực quản. Loại ung thư này thường xuất hiện ở phần trên và giữa của thực quản. Tuy nhiên nó vẫn có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào dọc theo thực quản.
- Ung thư biểu mô tế bào tuyến: Loại ung thư bắt nguồn từ các tế bào tuyến. Thông thường lớp lót bên trong lòng thực quản là tế bảo vảy, ít khi xuất hiện tế bào tuyến. Với những người bị trào ngược dạ dày thực quản lâu năm, các thế bào lót ở phần dưới thực quản có thể biến đổi thành tế bào tuyến. Tình trạng này được gọi là Barrett thực quản.
Chẩn đoán ung thư thực quản
Chẩn đoán ung thư thực quản dựa vào khai thác bệnh sử, khám và đánh giá biểu hiện lâm sàng, kết hợp với chẩn đoán hình ảnh (X quang thực quản dạ dày cản quang, CT scan ngực bụng có cản quang), nội soi thực quản dạ dày và sinh thiết khối u.
Các xét nghiệm đánh giá tình trạng ung thư
Sau khi các bác sĩ nghi ngờ hoặc đã chẩn đoán ung thư thực quản. Bạn có thể được đề nghị làm các phương pháp cận lâm sàng để chẩn đoán xác định, đồng thời đánh giá giai đoạn của ung thư, hoặc đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể hay chưa. Các phương pháp cận lâm sàng bao gồm:1
- Siêu âm nội soi (EUS).
- Chụp CT-Scan.
- Chụp MRI (chụp cộng hưởng từ).
- Nội soi lồng ngực.
- Nội soi ổ bụng.
- Xạ hình xương.
Việc đưa ra quyết định điều trị ung thư thực quản phụ thuộc vào việc xác định giai đoạn hoặc sự tiến triển của bệnh. Giai đoạn ung thư thực quản là một trong những yếu tố quan trọng nhất để bác sĩ đưa ra chiến lược điều trị trên từng bệnh nhân cụ thể. Và tiên lượng ung thư thực quản sống được bao lâu.
Các giai đoạn của ung thư thực quản1
- Giai đoạn 1: Khối u có kích thước nhỏ và giới hạn trong thực quản.
- Giai đoạn 2: Khối u đã phát triển lớn hơn nhưng vẫn nằm trong thực quản. Không có bằng chứng về sự lây lan đến các hạch bạch huyết hoặc vị trí khác trong cơ thể.
- Giai đoạn 3: Khối u đã phát triển ra ngoài thực quản và có thể lan sang các mô hoặc cơ quan lân cận. Ung thư chưa hoặc có thể đã đến các hạch bạch huyết lân cận.
- Giai đoạn 4: Khối u có thể có kích thước bất kỳ và đã phát triển ra ngoài thực quản. Bệnh có thể đã lan đến các hạch bạch huyết hoặc vị trí xa như gan hoặc trong khoang bụng.
Các dấu hiệu ung thư thực quản phổ biến nhất bao gồm:1 2
- Khó nuốt: Đây là triệu chứng phổ biến nhất của ung thư thực quản. Bệnh nhân có thể cảm thấy như thức ăn bị mắc kẹt trong cổ họng hoặc ngực. Tình trạng này thường nhẹ khi mới bắt đầu. Sau đó, việc nuốt khó trở nên nặng hơn. Theo thời gian, khi ung thư phát triển, lỗ mở bên trong thực quản sẽ nhỏ lại.
- Ho kéo dài: Bệnh nhân có thể ho dai dẳng và có thể ho ra máu.
- Đau ngực: Nuốt có thể gây đau nếu khối ung thư đủ lớn và làm hạn chế sự di chuyển của thức ăn qua thực quản.
- Đau xương: Bệnh nhân sẽ cảm thấy đau xương nếu ung thư đã di căn đến xương.
- Chảy máu vào thực quản: Máu có thể đi qua đường tiêu hóa, biểu hiện là đi ngoài phân có màu đen như bã cà phê. Theo thời gian, lượng máu mất đi này có thể dẫn đến thiếu máu, người bệnh cảm thấy mệt mỏi.
- Sụt cân không chủ ý: Việc nuốt khó có thể dẫn đến tình trạng kén ăn gây sụt cân.
- Khàn tiếng.
- Nôn mửa.
Ung thư thực quản sống được bao lâu có thể thể hiện qua tỷ lệ sống của người bệnh. Tỷ lệ sống cung cấp cho bạn thông tin về tỷ lệ phần trăm những người cùng mắc bệnh và cùng giai đoạn ung thư, nhưng vẫn còn sống trong một khoảng thời gian nhất định sau khi họ được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Khoảng thời gian này thường là 5 năm. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm trong tổng số những người mắc ung thư thực quản có điều trị là 20%.
Tỷ lệ sống là ước tính và dựa trên thống kê số lượng lớn những người mắc bệnh ung thư. Tuy nhiên, bác sĩ không thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra trong bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Những số liệu thống kê này có thể gây nhầm lẫn và có thể khiến bạn đặt thêm câu hỏi. Tốt nhất, bạn nên cần được tham vấn bởi bác sĩ về các chỉ số phần trăm được nêu ra sau đây. Vì bác sĩ điều trị là người nắm rõ tình trạng bệnh của bạn nhất.
Tỷ lệ sống trên 5 năm của từng giai đoạn ung thư thực quản:3
Giai đoạn
Tỷ lệ ống trên 5 năm
0
> 95%
I
> 80%
IIA
50% – 80%
IIB
10% – 30%
III
10% – 15%
IV
< 5%
Phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả giai đoạn của ung thư và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân:1 4
- Phẫu thuật (mổ hở hoặc mổ nội soi).
- Xạ trị.
- Hóa trị liệu.
- Liệu pháp nhắm trúng đích.
- Liệu pháp miễn dịch.
- Liệu pháp quang động.
- Phương pháp áp lạnh.
- Cắt bỏ niêm mạc qua nội soi.
Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị bạn tham gia các thử nghiệm lâm sàng để các phương pháp điều trị mới, dưới sự giám sát và đảm bảo an toàn.
- Chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, ăn miếng nhỏ, thức ăn mềm, dễ nuốt, chia nhỏ các bữa ăn ra thành nhiều lần trong ngày.
- Uống nhiều nước, có thể sử dụng ống hút.
- Vệ sinh răng miệng thường xuyên.
- Nâng cao thể trạng cho bệnh nhân, vận động nhẹ nhàng.
- Chuẩn bị tinh thần và tâm lý luôn lạc quan thoải mái, đây là yếu tố vô cùng quan trọng trong điều trị. Nếu bệnh nhân rơi vào khủng hoảng có thể nhờ sự giúp đỡ tư vấn của các bác sĩ.
- Cần được theo dõi rất chặt chẽ sau điều trị do bệnh ung thư thực quản có khả năng tái phát, di căn xa nhanh.
- Cần thường xuyên theo dõi các triệu chứng, tái khám định kì theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bạn có thể thực hiện các bước để giảm nguy cơ ung thư thực quản. Ví dụ:2
- Không hút thuốc lá.
- Sử dụng rượu bia có chừng mực. Đối với người lớn khỏe mạnh, tối đa một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và tối đa hai ly mỗi ngày đối với nam giới.
- Ăn nhiều trái cây và rau củ hơn.
- Duy trì cân nặng hợp lý. Nếu đang béo phì cần có kế hoạch giảm cân hợp lí.